Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Nhà hàng Việt Nam tại Nhật Bản

Ăn món Việt Nam đang là cái mốt ở Nhật Bản? Một số người Nhật đã phát biểu như vậy. Có lẽ họ hơi đề cao quá nhưng cũng không xa sự thật là bao nếu bạn thấy những hàng người rồng rắn chờ trước cửa các nhà hàng Việt Nam tại Tokyo. Song điều quan trọng hơn, từ món ăn của người Việt, người Nhật dần dần biết nhiều đến Việt Nam hơn…
Một trong những đặc điểm của lối sống Nhật là việc đi ăn hiệu, và có lẽ đó là lý do khiến Nhật Bản có rất nhiều nhà hàng. Theo con số thống kê, hiện nay tại Nhật có khoảng hơn 1 triệu nhà hàng, tức là cứ khoảng 120 người dân thì có một hiệu ăn. Ở Nhật Bản, mở một nhà hàng không nhất thiết phải chọn nhà mặt phố hoặc các đường lớn mà vẫn có nhiều khách. Có thể thấy trước cửa nhiều hàng ăn dưới tầng hầm hoặc trên tầng 3, tầng 4 ở một số khu vực trung tâm, khách hàng xếp hàng đông nghịt. Tại các cửa hàng nổi tiếng, khách chấp nhận chờ cả tiếng đồng hồ và xếp hàng dài ra tận ngoài phố.
Trong số cả triệu nhà hàng đó tại Nhật Bản, có rất nhiều nhà hàng của người nước ngoài. Các món ăn Pháp, Italia, Mêhicô, Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên đã trở thành những món ăn quen thuộc từ lâu đối với người Nhật. Gần đây, các món ăn châu Á, nhất là những nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia , v.v đang dần dần được biết tới và được nhiều người ưa chuộng.
Các nhà hàng Việt Nam xuất hiện tại Nhật Bản đã nhiều năm và cũng có tiếng tăm nhất định. Nhắc tới nhà hàng Việt Nam ở Nhật, những người sành ăn hiệu và thích tìm tòi có thể kể tên những quán như “Mỹ Dung”, “Áo Dài”, “Hương Việt”, “Miss Saigon” ở Tokyo, hay “Lâm Hà Nội” và “Mekong” ở Kobe – những nơi quy tụ cộng đồng Việt kiều khá đông đảo.
Tokyo, nơi tập trung nhiều người Việt nhất trong cả nước Nhật, đương nhiên là nơi có nhiều nhà hàng Việt Nam. Ngay gần ga tàu điện Shibuya – một trong những trung tâm của thủ đô – có một nhà hàng tên là “Hoa giấy”. Sự chật chội và bài trí khá đơn giản của nhà hàng không làm nản chí những vị khách phải xếp hàng dài xuống tận đường. Chỉ cách đó vài nhà vừa xuất hiện hiệu “Miss Saigon”, tuy không lớn như một cửa hiệu cùng tên ở Kichijoji song cũng thu hút khá nhiều khách, có lẽ một phần vì ở trung tâm. Chúng tôi đã hỏi nhiều khách hàng và nhiều người nói món ăn Việt Nam hấp dẫn vì khi ăn phải cuốn hay gói. Món ăn Việt Nam dùng nhiều rau nên họ cho rằng tốt cho sức khỏe. Anh Itai Norio, một chuyên gia về món ăn, đã từng sang Việt Nam nhiều lần và tại Việt Nam cũng như ở Nhật, anh đã thử rất nhiều món ăn Việt Nam. Theo anh, ăn đồ Việt Nam đang là một trong những cái mốt ở Nhật hiện nay.
Tại Kobe, nơi cộng đồng Việt kiều có khoảng 750 người, nhiều thứ 2 sau Tokyo, có 2 nhà hàng Việt Nam là “Mekong” và “Lâm Hà Nội”. Ông Chuang Tiến Thành, chủ cửa hàng Lâm Hà Nội, sinh sống tại Nhật đã gần 20 năm. Cha ông là người Đài Loan, sang Nhật học rồi làm việc cho chính phủ Nhật một thời gian tại Việt Nam. Sau đó, cha ông tham gia cách mạng Việt Nam và lập gia đình với một phụ nữ bản địa tại Vĩnh Phú. Vào cuối thập niên 70, gia đình ông Chuang cùng 7 anh chị em sang Nhật sinh sống. Ban đầu, ông kinh doanh xe máy cũ, chuyên bán cho công nhân Việt Nam đi lao động Irắc hoặc thủy thủ tàu viễn dương, và thậm chí làm ăn lớn với một số công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội và Hải Phòng. Song công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái: nhiều Việt kiều và cả người Nhật bắt đầu nhảy vào thị trường có lãi này, rồi nhờ chính sách mở cửa của chính phủ Việt Nam, một số công ty Việt Nam cũng vươn sang tận Nhật Bản, khiến cạnh tranh trở nên gay gắt. Khi đó không thể xin xe máy cũ hoặc mua với giá vô cùng rẻ như trước nữa và đương nhiên là lợi nhuận cũng giảm đi.
Rồi vụ động đất Hanshin khủng khiếp xảy ra vào tháng Giêng năm 1995. Trong số khoảng 6.400 người thiệt mạng không có người Việt Nam nào nhưng hầu như các thành viên cộng đồng người Việt ở Kobe đều bị mất nhà cửa. Họ phải sống trong những khu nhà tạm hoặc tụ tập ở một công viên. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc mở nhà hàng “Lâm Hà Nội” rất đơn giản. Ông chủ Chuang Tiến Thành, 48 tuổi, cho biết nhờ có điều kiện nhà cửa rộng rãi nên có thể làm nghề nấu ăn. Sau động đất, một số bà con tại Kobe tập trung sống tại những khu nhà tạm ở vườn hoa quận Nagata, họ không ăn được đồ Nhật nên gia đình ông nấu món ăn Việt Nam để phục vụ họ. Tháng 8/95, ông chính thức treo bảng để đón khách Nhật và hiện tại, số lượng khách Việt Nam tới nhà hàng chiếm khoảng 20%, còn khách Nhật khoảng 80%.
Tuy không nằm ở khu phố chính của thành phố nhưng nhà hàng này khá đông khách. Vào những ngày cuối tuần, hai vợ chồng ông Tiến Thành phải huy động tất cả 3 người con trai cùng một số anh chị em trong gia đình đến phụ giúp. Từ một dịch vụ chủ yếu phục vụ bà con người Việt trong thời gian khó khăn sau vụ động đất, “Lâm Hà Nội” đã trở thành một nhà hàng hấp dẫn với nhiều người, thậm chí cả những người ở xa đến cả trăm cây số. Ngoài mục đích kinh doanh, ông Chuang Tiến Thành còn mong đạt được một điều khác từ nhà hàng của mình: bên cạnh việc thu lợi nhuận và nuôi sống gia đình, ông muốn làm cho người Nhật biết Việt Nam là như thế nào. Ông nói: “Nhiều người chưa đến Việt Nam hỏi tôi người Việt ăn bằng đũa hay bằng tay, đồ ăn như thế nào. Tôi muốn mở cửa hàng để nói cho người Nhật biết rằng, người Việt Nam bị Trung Quốc, Pháp rồi Mỹ đô hộ nhưng đồ ăn của chúng tôi không kém gì đồ của Trung Quốc và Pháp. Tôi muốn làm nghề này để giới thiệu cho những người bạn Nhật đã tới hoặc chưa tới VN biết được người Việt Nam ăn uống và sinh hoạt ra sao.”
Cũng với lý do như ông Tiến Thành – vừa kinh doanh, vừa giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho người bản địa – ông Đặng Đức Thịnh đã mở quán cơm mang tên ông cách đây 11 năm tại Fukuoka, một thành phố thuộc vùng Kyushu miền nam Nhật Bản. Sự tồn tại của “Quán cơm Đặng” và một nhà hàng Việt Nam khác tại Fukuoka quả khiến chúng tôi hết sức bất ngờ vì số người Việt ở đây có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả con cái của ông Thịnh cũng đi học, đi làm ở các nơi khác và chỉ có hai vợ chồng ông xoay xỏa với quán hàng nhỏ bé của mình. Quán chỉ có 4 bàn ăn với khoảng dưới 20 chỗ ngồi nhưng đứng vững suốt một thời gian dài, chứng tỏ vẫn thu hút được số lượng ổn định khách bản địa. Theo ông Thịnh, việc Nhật Bản ngày càng quan tâm đến Việt Nam cũng góp phần không nhỏ vào việc kinh doanh của gia đình ông. Ông cho biết, ở Kuyshu này ít quán VN, nên trước khi người Nhật tại vùng này đi du lịch, muốn biết tin tức về Việt Nam thì thường đến quán ông hỏi thăm và ăn thử món ăn.
Kinh doanh đương nhiên phải đi cùng với lợi nhuận và người ta cho rằng làm nhà hàng ở Nhật Bản là cách kinh doanh tương đối ổn định. Lợi nhuận là lý do khiến nhiều người chuyển sang mở nhà hàng. Và thật bất ngờ là trong số những người kinh doanh đồ ăn Việt Nam có cả người Nhật. Có những cửa hàng chỉ có vài món ăn Việt Nam xen lẫn thực đơn món ăn Nhật, song có nhà hàng phục vụ toàn món ăn Việt Nam với cái tên hiệu cũng là tên Việt Nam.
Tại Tokyo có 3 nhà hàng lớn đều mang tên “Mỹ Dung” hết sức thơ mộng. Anh Sasaki Masato – chủ nhân một trong 3 nhà hàng nói trên tại khu vực Shinjukugyoen – mới 33 tuổi, song đã làm việc tại nhà hàng này 10 năm. Từ một nhân viên bình thường, nay anh đã trở thành chủ của hàng. Điều ngạc nhiên hơn là anh đồng thời còn đứng bếp nấu các món ăn Việt Nam và hiện tại vẫn tiếp tục công việc này. Anh Sasaki đã sang Việt Nam 2 lần và dự đinh của anh là từ nay, mỗi năm sang Việt Nam ít nhất 1 lần để nghiên cứu các món ăn mới và đưa vào thực đơn của nhà hàng, đồng thời để mua các thực phẩm của Việt Nam.
Hoạt động của các nhà hàng Việt Nam chưa thật sôi nổi, về quy mô chỉ có vài nhà hàng sánh ngang được với những quán ăn châu Á lâu đời của Thái Lan, Ấn Độ, Malaixia… nhưng dần dần được nhiều người biết đến. Đôi khi đi trên đường nghe loáng thoáng thấy người ta rủ nhau đến quán Việt Nam. Vào những ngày cuối tuần, một số nhà hàng Việt Nam đông tới mức không nhận đặt bàn trước. Thấy việc kinh doanh phát đạt, nhiều nhà hàng nhanh chóng mở rộng hoặc nâng cấp. Chẳng hạn tới nay quán Mỹ Dung có đến 3 địa điểm và anh Sasaki còn có tham vọng đạt được mục tiêu làm cho “Mỹ Dung” trở thành quán ăn Việt Nam số 1 tại Nhật Bản.
Nói tới món ăn, đương nhiên phải đặt tiêu chuẩn “ngon” lên hàng đầu. Một số chủ nhà hàng như ông Đức Thinh ở Fukuoka và ông Tiến Thành ở Kobe khẳng định “ngon” nghĩa là giữ đúng hương vị món ăn Việt Nam, dù không thể đạt đúng hoàn toàn vì khó kiếm thực phẩm và gia vị ở Nhật. Nhưng trong khi đó, theo quan điểm của một số nhà hàng khác, khi nấu các món ăn dân tộc ở hải ngoại, tiêu chuẩn “ngon” đó phải áp dụng với khẩu vị của người bản xứ. Thành thực mà nói, lần đầu đến một số quán ăn Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy vị các món ăn hơi khác so với quê nhà. Sau nhiều lần bất ngờ, chúng tôi được một chủ quán giảng giải rằng “sự thành công hay lụn bại của một nhà hàng tùy thuộc vào khả năng làm cho món truyền thống của dân tộc mình phù hợp với người bản xứ”.

Mỗi nhà hàng một hướng đi riêng và cho tới nay, dù theo hướng nào trong cách tạo hương vị cho món ăn Việt Nam, có thể nói các nhà hàng này đều tương đối thành đạt. Tuy nhiên, nếu trong tương lai một số nhà hàng vẫn áp dụng cách thay đổi gia vị để đáp ứng khẩu vị của khách hàng bản địa thì khó lòng đứng vững. Hiện tại có một số khách sành ăn đã nói rằng, đa phần món ăn Việt Nam chỉ là cái tên gọi, còn nội dung không tái hiện trung thực được. Ngày càng nhiều người Nhật tới Việt Nam và đã biết được món ăn Việt Nam thực sự là thế nào. Thiết nghĩ, điều khách hàng mong mỏi sẽ là những món ăn giúp họ nhớ lại kỷ niệm tại Việt Nam, hơn là sự thưởng thức hơi dễ dãi mang tính chất khám phá tìm tòi như hiện nay.
Tháng 3 vừa qua, tại một khách sạn lớn ở Tokyo đã diễn ra hội chợ món ăn Việt Nam kéo dài tới hơn 3 tuần. Ban tổ chức – hợp tác với Sứ quán Việt Nam, Hãng hàng không Việt Nam và khách sạn New World Saigon – đã mời 3 đầu bếp tài năng từ Việt Nam sang thể hiện tài năng qua nhiều món ăn đa dạng. Cùng với nhiều thông tin về kinh tế, chính trị Việt Nam được giới truyền thông và xuất bản ở Nhật đăng tải khá nhiều trong thời gian gần đây, văn hóa Việt Nam nói chung và món ăn Việt Nam nói riêng đang dần dần đến với người dân xứ Hoa Anh Đào qua nhiều hình thức./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét