Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Từng bước học tiếng Nhật

Học một ngoại ngữ bao giờ cũng là vô biên, bạn không thể biết hết tất cả mọi thứ về một ngôn ngữ nào đó. Điều quan trọng là hãy năm thật chắc, từng bước từng bước một.

Điều quan trọng là nền tảng tiếng Nhật
Nền tảng tiếng Nhật là sự hiểu biết của bạn về tiếng Nhật, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc hiểu ngữ pháp, biết nhiều từ vựng, đọc được nhiều chữ kanji, phân tích được câu tiếng Nhật, v.v... chứ không phải khả năng hội thoại, nghe nói tiếng Nhật của bạn. Bạn phải đọc hiểu được tiếng Nhật đã.
Khi bạn có nền tảng tiếng Nhật tốt và có cơ hội tiếp xúc tiếng Nhật thì khả năng hội thoại, nghe nói sẽ lên rất nhanh. Bạn đã thấy ai đi du học Nhật cũng có thể nghe nói được tiếng Nhật chưa? Là vì họ có nền tảng tiếng Nhật (đã học qua trường lớp) và ở Nhật đủ lâu, chứ không hẳn là vì họ nỗ lực hay chăm chỉ.
Tuy vậy, không phải ai nói giỏi (giao tiếp giỏi) tiếng Nhật cũng có nền tảng tiếng Nhật tốt. Ở Nhật lâu và được học tiếng Nhật thì nhìn chung sẽ nói được tiếng Nhật, nhưng để diễn đạt sâu sắc hay chém gió tiếng Nhật thì lại là câu chuyện khác, đòi hỏi bạn phải nâng cao nền tảng tiếng Nhật của mình lên. Nhiều người nói và giao tiếp tiếng Nhật khá tốt nhưng động vào đọc hiểu hay viết lách diễn đạt là tắc ngay.

Để nâng cao nền tảng tiếng Nhật: Bạn phải đọc nhiều và phân tích câu nhiều.
Học đại học tại Nhật là cơ hội tuyệt vời để nâng cao tiếng Nhật vì bạn bắt buộc phải viết báo cáo hay viết luận văn. Đó là những cơ hội tuyệt vời để bạn có thêm khả năng viết lách, vốn là một mức độ cao hơn so với đọc hiểu.

Đừng hi vọng có ai (kể cả người Nhật) dạy tiếng Nhật cho bạn
Chúng ta thường nghe than phiền là "Tại tôi không có bạn người Nhật" nhưng nếu có bạn người Nhật thì bạn sẽ làm gì? Nhờ người đó dạy tiếng Nhật cho bạn chăng? Họ sẽ dạy cho bạn 1 buổi và chạy mất dép vì không thể chịu nổi thứ tiếng Nhật bập bẹ của bạn. Vẫn là câu nói cũ: Đừng hành hạ người khác bằng tiếng Nhật sơ cấp của mình.
Nếu bạn vẫn còn hi vọng có bạn người Nhật chỉ tiếng Nhật thì bạn nên tìm người dạy tiếng Việt, đảm bảo 2 buổi sau là bạn chán tận cổ thôi.

Tìm người bản ngữ và hi vọng họ dạy tiếng cho mình không bao giờ là cách hay.
Chúng ta chỉ có thể học lâu dài theo các cách sau:

·                     Học trên lớp
·                     Học trên trang web, video clip, phim, anime, v.v...
·                     Tự học
·                     Đi chơi với nhóm người Nhật và nghe họ nói chuyện với nhau
Tức là bạn học bằng cách NGHE, không phải bằng cách NÓI. Nói là một việc khổ sở và không hiệu quả, bạn phải nghe cho quen trước khi nói. Vì thế mà học tiếng Nhật tại Nhật hiệu quả hơn học tại Việt Nam vì cơ hội nghe nhiều hơn hẳn.


Không cần thiết phải so sánh với người khác

Từng bước học tiếng Nhật
Họ đẹp, họ có nhiều bạn, họ nói tiếng Nhật như gió, tương lai tươi sáng đang chờ trước mặt họ, v.v... Bạn đã bao giờ thấy người nào như thế chưa? Những người đó có ở khắp nơi quanh ta. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng có thể khả năng tiếng Nhật của họ không bằng bạn, thậm chí là kém khá xa. Thước đo tốt nhất chính là điểm số mà bạn đạt được khi thi N1: Nó không đòi hỏi khả năng giao tiếp mà chính là mức độ hiểu tiếng Nhật (nền tảng tiếng Nhật) của bạn.
Đọc và viết tiếng Nhật quan trọng hơn là nói chuyện như gió. Vì thế chẳng cần phải so sánh với người khác mà chỉ cần kiên trì nâng cao nền tảng tiếng Nhật là ổn. Khi nào bạn có cơ hội sang Nhật hay làm việc trong môi trường nhiều người Nhật thì tự nhiên khả năng giao tiếp tiếng Nhật của bạn sẽ nâng cao dần theo thời gian.


Học xong trường Nhật ngữ xong có nghe được bài giảng ở đại học không?
Thường có thể chỉ tầm 20 - 60% tùy giáo viên nói dễ nghe hay khó nghe, tất nhiên là khi bạn quen thì có thể tỷ lệ cao hơn. Nhưng nhìn chung nếu bạn đọc được sách và đọc được đề thi là ổn. Chẳng có gì phải buồn phiền nếu bạn không nghe được bài giảng, vì bạn cần thời gian để khả năng nghe tăng dần lên. Đây là vấn đề về thời gian. Có thể bạn cần vài năm ở Nhật để tiếng Nhật có thể ổn thỏa.


Tiếng Nhật của bạn sẽ biến đổi lên xuống thế nào?
Ngay cả khi bạn ở Nhật, thì tiếng Nhật của bạn cũng thường lên xuống, theo nghĩa là khả năng hội thoại, nghe và nói tiếng Nhật của bạn lên xuống tùy thời kỳ. Lúc bạn giao tiếp nhiều thì bạn nói khá, sau đó không giao tiếp thì nó lại xẹp xuống. Hay bạn về Việt Nam nghỉ hè rồi quay lại Nhật và quên sạch tiếng Nhật. Những chuyện đó là thường. Khả năng hội thoại, giao tiếp là thứ co dãn theo hoàn cảnh. Có điều là nền tảng kiến thức tiếng Nhật thì thường ít biến đổi và thường tăng lên nếu bạn vẫn chịu học hỏi thêm. Đôi lúc, bạn có thể thấy chán vì học mãi mà giao tiếp vẫn không khá. Nhưng thực tế là kiến thức tiếng Nhật của bạn vẫn đang khá lên và chỉ cần "mồi" một chút là giao tiếp của bạn sẽ khá lên ngay. Nên chẳng có gì phải buồn phiền!


Mất bao nhiêu năm để nói tiếng Nhật như người Nhật?
Có nhiều người hù dọa bạn là sẽ mất 5 - 10 năm mới giỏi tiếng Nhật, nhưng theo mình thì bạn chỉ cần học đủ 900 giờ là đủ. Lúc đó trình độ bạn tương đương N1, có thể giao tiếp khá thoải mái. Còn bạn muốn diễn đạt các vấn đề phức tạp thì chịu khó học thêm từ vựng là ổn. Ngoài ra, bạn nên luyện thi N1 vì có nhiều mẫu ngữ pháp mang tính văn vẻ giúp bạn diễn đạt tiếng Nhật hay hơn.


Nếu tập trung, bạn chỉ cần học 1 năm!

Bạn học hết N1 thì coi như bạn học xong nền tảng tiếng Nhật rồi, những năm tháng sau này là bạn chỉ học cách diễn đạt mà người Nhật thường dùng và nâng cao khả năng nghe hiểu, giao tiếp mà thôi. Còn có nền tảng tiếng Nhật nghĩa là bạn có thể đọc hiểu rồi. Khi đó, đi siêu thị và vào ngân hàng chỉ là chuyện nhỏ. Còn gì quan trọng hơn là đi siêu thị mua đồ và vào ngân hàng làm thủ tục giao dịch?

Không phải ai ở Nhật lâu cũng đậu N1
Bạn có thể nghĩ là những người đi du học ở Nhật nhiều năm sẽ dễ dàng đậu N1 nhưng thực ra không phải vậy. Họ thường trượt N1! Vì chẳng ôn luyện gì cả. Nghĩa là nền tảng tiếng Nhật của họ cũng chưa thực sự tốt (dù giao tiếp có thể tốt) vì phần lớn ngữ pháp của N1 đều khá hay và thường được dùng trong văn viết cũng như văn nói ở Nhật.
Nghĩa là, số năm bạn ở Nhật không quyết định trình độ tiếng Nhật của bạn, mà trình độ tiếng Nhật phụ thuộc việc bạn có tiếp tục nâng cao nó lên hay không.
Cũng như nếu bạn chăm chỉ luyện thi N1 thì chắc chắn bạn sẽ đậu N1 và hiểu khá sâu về tiếng Nhật mặc dù có thể bạn không sống tại Nhật.
Tuy nhiên, để diễn đạt và nói chuyện như người Nhật thì có lẽ bạn nên sống ở Nhật một thời gian bởi vì sách giáo khoa không thể phản ánh toàn bộ đời sống được.

Tiến theo từng bước
Bạn phải đi lên từ từ từng bước để hoàn thành đủ số giờ học của mình. Đầu tiên bạn phải học được cách tra từ điển. Sau đó là phân tích câu đơn giản. Cứ thế mà đi lên thôi. Bạn nên luyện thi theo các cấp độ.
Khi bạn đậu được N1 thì trò chơi sẽ lên level mới hoàn toàn. Khi đó về cơ bản là nền tảng bạn có đã vững chắc, bạn chỉ cần xây đắp thêm chỗ này chỗ kia cho hoành tráng hơn.
Mức độ cao nhất là bạn có thể viết được tiếng Nhật. Bạn có thể không cần nhắm tới mức độ này, nhưng nếu đạt được nó thì bạn sẽ có khá nhiều lợi thế. Khi đó nếu làm công việc liên quan đến tiếng Nhật bạn sẽ tốn ít sức hơn người khác rất nhiều, nghĩa là khả năng cạnh tranh của bạn sẽ cao hơn rất nhiều. Mức độ cao nhất là sử dụng ngôn ngữ tự do như ngôn ngữ mẹ đẻ, lúc đó bạn sẽ không phải nghĩ nữa và không tốn nhiều năng lượng nữa.


Đôi điều nhắn nhủ
Đừng học tiếng Nhật một cách quá gian khó, nếu không bạn sẽ kiệt sức trước khi đạt được cột mốc nào đó. Nếu bạn nói không thực sự giỏi thì hãy CHỈ NGHE thật nhiều. Đừng cố kiếm bạn Nhật làm gì mà thay vào đó xem phim hay anime Nhật. Hãy nâng cao số giờ học tiếng Nhật của mình, đặc biệt là tự học tiếng Nhật. Bạn có thể luyện thi các cấp độ từ thấp lên cao hay học các chương trình sơ cấp online (JPLANG và NHK) để thấy rằng mình đang đạt được các cột mốc mới. Ngay cả số giờ bạn học tiếng Nhật cũng là một loại cột mốc mà bạn nên ghi chép lại. Không có con đường tắt dẫn tới thành công, bạn chỉ có thể tiến từng bước một hàng ngày mà thôi!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét